Phong cách thơ văn Bạch_Cư_Dị

Bạch Lạc Thiên.

Thơ ông mang đậm tính hiện thực, lại hàm ý châm biếm nhẹ nhàng kín đáo. Trường hận ca kể mối tình đẹp của Đường Minh HoàngDương Quý phi, nhưng đọc kỹ thì những ý châm biếm, mỉa mai kín đáo đều có. Ông cùng Nguyên Chẩn đề xướng phong trào Tân Nhạc Phủ, nên trong thơ, ông luôn công kích đời sống xa hoa dâm dật của bọn quý tộc, bóc trần sự bóc lột của bọn quan lại, thông cảm với nỗi thống khổ của dân chúng (Tần Trung Ngâm, Tân Nhạc Phủ).

Thơ ông thấm nhuần tư tưởng nhân đạo, nhân văn. Ông hòa đồng cùng dân chúng, không coi việc làm quan của mình là gì, mà thấy mình cũng bị cuộc đời làm cho bảy nổi ba chìm chẳng khác gì người đời (Tỳ bà hành). Ông thông cảm với những thân gái chịu bao tập tục hủ bại và cảnh nghèo túng mặc dù sắc đẹp thì chẳng thua ai (Nghị hôn).

Ông chủ trương thơ ca phải giản dị để dân chúng đều hiểu được. Không những thế, tình cảm, tư tưởng phải giàu tính nhân dân, nói được nỗi lòng của mọi người trước thế sự, phản ánh nổi thống khổ của nhân dân Trung Quốc đương thời nên gây được cảm xúc mạnh. Thơ ông giàu tính trữ tình. Khi ông bị đi đày từ Tràng An đến Giang Tây, ba bốn ngàn dặm, dọc đường thấy trường học, chùa chiền, quán trọ.... đều có đề thơ của mình, nên càng tự tin ở chủ trương của mình hơn.

Riêng hai bài Tỳ Bà Hành và Trường Hận Ca đã đủ tỏ tài thơ của Bạch Cư Dị. Bằng lối kể chuyện miêu tả, với chủ đề khác nhau, hai bài thơ dài của ông, bài thì bay bướm, hình ảnh đẹp, lời bình trầm lắng, ý ngoài lời, ca tụng, mỉa mai đều kín đáo; bài thì hoà đồng vào cảnh ngộ cùng nhân vật, viết lên những tâm trạng gửi gắm của cả hai, người gẩy -người nghe, vào tiếng đàn trên bến Tầm Dương, bài thơ da diết, buồn thấm thía mà nỗi đời thì vời vợi mênh mang.

Ngoài ra ông còn làm một số bài thơ về thiên nhiên, nhàn tản. Lối nói u hoài, vương một nỗi buồn riêng kín đáo. Ông thích đàm đạo về thiền, về Lão Trang, cũng như là biểu hiện trốn đời, sau khi đã quá ngán về nhân tình thế thái. Ông để lại khoảng trên 2.800 bài thơ.